Đèo
Hải Vân - "Đệ nhất hùng quan"
 |
Du khách tham quan
đỉnh đèo Hải Vân
|
TTCN - Đầu năm 2005, khi hầm
đường bộ xuyên đèo Hải Vân
được đưa ra vào sử dụng,
đèo Hải Vân sẽ trở thành con đường
du lịch đẹp nhất VN như nó đã
từng được phong tặng “Đệ
nhất hùng quan”.
Đèo Hải Vân (còn
gọi là Ải Vân) dài 21km vắt ngang qua
những ngọn núi cao ngất của dãy Trường
Sơn nơi tiếp giáp với biển Đông.
Đèo Hải Vân (có nghĩa là biển và mây vì
sóng biển vỗ chân đèo và quanh năm mây mù
bao phủ trên đỉnh) nổi tiếng là
đường đèo đẹp nhất và cũng
hiểm trở nhất VN trên hành trình vào Nam ra
Bắc từ hơn 700 năm qua, với độ
cao ở đỉnh đèo là 496m so với
mực nước biển.
Vào thế kỷ 15, vua Lê
Thánh Tông trong một lần vi hành đã dừng
lại trên đỉnh đèo ngắm cảnh làm
thơ. Ngạc nhiên trước cảnh đẹp
và sự hùng vĩ của trời mây nơi đây,
nhà vua đã đặt cho Hải Vân tên gọi
“Đệ nhất hùng quan”.
Nhiều câu chuyện
truyền miệng của cư dân trong vùng còn
kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng trấn
giữ đất Quảng Nam, đường qua
đèo Hải Vân rất ít người dám đi
lại bởi một bên là núi cao hiểm trở
với những vách đá dựng đứng,
một bên là biển sâu thăm thẳm. Nơi
đây là nơi cư ngụ của những loài
thú dữ và bọn lục lâm thảo khấu
hung ác.
Đã có nhiều người
bạo gan vượt đèo về phương
Nam và đã không tìm thấy xác. Oan hồn
của những người này vẫn ở quanh
quất trên đèo, nên để tránh bớt tai
bay vạ gió, cư dân địa phương và
người đi đường thường
lập các miếu thờ ven đường và hương
khói quanh năm. Trong dân gian còn truyền lại câu
ca "Đi bộ thì sợ Hải Vân. Đi
thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi".
Vua Minh Mạng sau khi lên ngôi
cũng đã đến thăm cảnh đẹp
của Hải Vân quan và cho dựng cổng đá
tại đỉnh đèo có khắc chữ “Đệ
nhất hùng quan”. Cổng đá nay vẫn còn
sừng sững trên đỉnh đèo và
được công nhận là di tích lịch
sử cấp quốc gia.
Tuy địa hình của
đường đèo khá hiểm trở do núi
cao, vực sâu, song nơi đây lại là một
điểm tham quan, du lịch lý tưởng
được các công ty du lịch lữ hành
trong nước đưa vào tour và thường
xuyên giới thiệu với khách.
Trong những ngày nắng
đẹp, từ đèo Hải Vân nhìn bao quát
về phía bắc là cảnh đồi núi
trập trùng với mây trắng bay là đà, xa xa
là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp
như tranh vẽ. Phía nam, sóng biển vỗ quanh
theo triền núi, thấp thoáng những chiếc
thuyền đánh cá của ngư dân rẽ sóng
chạy ra khơi.
Du khách có thể phóng
tầm mắt nhìn toàn cảnh TP Đà Nẵng bên
bờ sông Hàn. Xa hơn một chút là đỉnh
Sơn Trà quanh năm mây phủ với câu ca
gợi cho người nghe nhớ về một
mối tình trắc trở của một đôi
trai gái ở hai bên đèo Ải: "Chiều
chiều mây phủ Sơn Trà. Lòng ta thương
bạn nước mắt và lộn cơm" và
"Chiều chiều mây phủ Ải Vân. Chim kêu
ghềnh đá gẫm thân lại buồn".
K.E |