Dự án Hầm đường bộ Hải Vân

Trang chính| English | Sơ đồ | Sổ lưu niệm | Liên hệ

Sự kiện :: Các bài báo

Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân - Công trình thế kỷ

 

Như tin đã đưa, vào hồi 1 giờ 10 phút ngày 28/10/2003, sau gần 03 năm lao động khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao của gần 2.000 cán bộ, công nhân, các chuyên gia, các kỹ sư của các đơn vị thi công, các công ty tư vấn giám sát, ban quản lý, cũng như sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, mũi khoan cuối cùng khoan hầm đường bộ qua đèo Hải Vân đã thực hiện thắng lợi trong sự vui mừng khôn tả của hàng nghìn cán bộ, công nhân đang thi công trên công trường, cùng sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân cả nước.

Sự kiện này đã đánh dấu một mốc thời gian quan trọng, kết thúc một giai đoạn quan trọng của một công trình giao thông mang tầm cỡ công trình thế kỷ của Việt Nam.  

Đoạn đường đèo Hải Vân hiện nay là một bộ phận của quốc lộ 1A, có tầm quan trọng rất lớn trên tuyến đường bộ huyết mạch chạy suốt từ Bắc vào Nam. Đường qua đèo Hải Vân được xây dựng từ thời Pháp. Trải qua thời gian dài khai thác và sử dụng, dù đã được nâng cấp, cải tạo nhiều lần, tốn rất nhiều kinh phí, nhưng do điều kiện địa hình phức tạp, nên không thể cải thiện, nâng cao tiêu chuẩn cấp đường. Vì vậy, phương tiện giao thông qua lại  gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, đặc biệt là các xe có tải trọng lớn gây tiêu hao nhiên liệu, tuổi thọ giảm nhanh. Trên các đoạn đường đèo thường xảy ra tai nạn giao thông, về mùa mưa bão thường xảy ra sụt trượt mái dốc, làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Từ nhiều năm qua, Bộ Giao thông - vận tải, các nhà khoa học đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu nhằm cải thiện, nâng cấp hệ thống giao thông trên đoạn đường này. Cuối cùng, phương án xây dựng Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho phép đầu tư bằng Quyết định số 905/QĐ-TTg ngày 30/9/1998. Ban Quản lý dự án 85 đã được Bộ Giao thông - vận tải giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành dự án.  

Sau gần 03 năm chuẩn bị mọi mặt từ khâu đấu thầu để tuyển chọn các nhà tư vấn, Liên doanh Tư vấn quốc tế gồm Nippon Koei (Nhật Bản), Louis Berger (Mỹ) và Công ty Tư vấn TEDI (Việt Nam) đã được chọn là các nhà thầu thiết kế và giám sát thi công. Phương pháp NATM đã được chọn làm phương án thiết kế và thi công cho Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân. Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng tối đa hiệu ứng vòm tự nhiên, được hình thành trên cơ sở đất hoặc đá chung quanh vòm hầm. Việc liên kết này tự bản thân nó đã trở thành một phần kết cấu chống đỡ hầm. Trong quá trình đào hầm, sự cân bằng hiện có nguyên thủy của các lực, của khối đất đá sẽ chuyển sang trạng thái cân bằng mới, thứ cấp và được ổn định. Với phương pháp này, người ta có thể kiểm soát được các tiến trình chuyển đổi, phân bổ ứng suất, thông qua các thiết bị đo đạc, từ đó có thể đưa ra các biện pháp chống đỡ thích hợp và bảo đảm sự ổn định của hầm. Do tính chất và tầm quan trọng của dự án nên công tác phân chia các gói thầu, chọn thầu đã được tiến hành kỹ lưỡng làm 02 giai đoạn, theo các quy định đấu thầu quốc tế.  

* Quy mô, tầm vóc của công trình  

Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân là một công trình hầm đường bộ lớn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đồng thời là một trong số 30 hầm đường bộ lớn và hiện đại nhất thế giới. Hầm được xây dựng xuyên qua núi Hải Vân, có chiều dài khoảng 12,182 km (trong đó, phần hầm dài 6,247 km), ngắn hơn khoảng 9 km so với đường đèo hiện tại (21 km). Điểm đầu của dự án thuộc khu vực Lăng Cô, huyện Phú Lộc - Thừa Thiên Huế; điểm cuối thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Tổng mức đầu tư theo thiết kế là 251,042 triệu đô-la   Mỹ, được vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và một phần vốn đối ứng trong nước. Nhưng qua đấu thầu, giá trị của công trình chỉ còn lại khoảng gần 70% so với thiết kế, tiết kiệm khoảng 30%. 

Theo thiết kế, công trình gồm một hầm chính và một hầm phụ (hầm lánh nạn) chạy song song với nhau, có tổng chiều dài 6,247km. Chiều rộng của hầm chính là 11,9 mét, chỗ tránh xe là 13,7 mét. Giữa 02 hầm chính và phụ là hệ thống hầm ngang, gồm 15 hầm có chiều dài 450 mét (trong đó, có 11 hầm cho người đi bộ và 04 hầm cho xe ô-tô đi qua). Ngoài ra, còn có một hệ thống hầm thông gió: gồm 03 hầm lọc bụi tĩnh điện, mỗi hầm dài 153 mét, chiều rộng là 10,2 mét, công dụng của hầm này là dùng để lọc bụi, khí bẩn do các phương tiện đi trong hầm thải ra; một hầm thông gió dài 1.800 mét, rộng 7,8 mét được ngăn đôi, một bên dùng để cung cấp khí sạch từ bên ngoài cho đường hầm, một bên dùng để hút khí bẩn từ đường hầm ra. Đường và cầu nối hầm với quốc lộ 1A dài 6,01km, trong đó, gồm cầu Lăng Cô vượt qua vịnh Lập An, vượt qua đường bộ, đường sắt nối với cửa hầm phía Bắc, chiều dài trên 1 km. Phía Nam gồm 07 cầu và đường dẫn từ cửa hầm đến vị trí kết thúc dự án dài khoảng hơn 04 km. Ngoài ra, còn có các hệ thống phụ trợ là các trạm biến áp 110/22 kV và đường dây tải điện 110 kV được nối với điện lưới quốc gia; văn phòng điều khiển với các thiết bị hiện đại. Các hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thông gió, hệ thống camera kiểm soát, thiết bị báo cháy, các buồng điện thoại khẩn cấp, hệ thống phát thanh, các thiết bị đo khí độc thiết bị đếm xe, thiết bị đo tầm nhìn, hệ thống cọc tiêu, biển báo, giao thông và nhiều thiết bị chuyên dùng hiệ đại khác.

* Chiến công xuất sắc, thành quả của sự hợp tác quốc tế

Để đưa công trình vào sử dụng, còn rất nhiều việc phải làm, nhiều hạng mục phải hoàn tất trong hơn một năm nữa (dự kiến, đầu năm 2005 công trình mới hoàn tất và đưa vào sử dụng). Nhưng việc hoàn thành công đoạn khoan hầm - công đoạn quan trọng nhất của công trình - đã là một chiến công xuất sắc, một thành quả lao động tuyệt vời của những chuyên gia, kỹ sư, những công nhân Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo, Thụy Sĩ... đã lao động trên công trường trong hơn 1.000 ngày qua với tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn; đặc biệt là những ngày đầu khoan hầm phía Nam, với biết bao sự cố trắc trở, tưởng chừng như không thể vượt qua được. Trong số 09 gói thầu của công trình thì 02 gói thầu 1A và 1B là các gói thầu khoan hầm quan trọng nhất, khó khăn nhất. Công nghệ NATM là một công nghệ khoan hầm hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Chính công nghệ này cũng làm bỡ ngỡ các chuyên gia, kỹ sư của các nhà thầu quốc tế; còn đối với các cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam ở Tổng Công ty Sông Đà. Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) là quá mới mẻ, hầu như không có kinh nghiệm. Song với tinh thần lao động sáng tạo, ham học hỏi và sự hợp tác quốc tế toàn diện, cùng có lợi của các đơn vị tư vấn, các đơn vị thi công, cũng như sự điều hành chuẩn xác của Ban Quản lý dự án 85, những đỉnh cao công nghệ đã được chinh phục, những khó khăn cũng đều vượt qua, công trình đã được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, bảo đảm chất lượng. Việc thông hầm kỹ thuật vào ngày 07/11/2003 sẽ là một mốc thời   gian quan trọng đánh dấu sự thành công bước đầu của công trình thế kỷ này trong lãnh vực xây dựng giao thông ở Việt Nam. Riêng đối với các cán bộ, công nhân của Tổng Công ty Sông Đà, ngoài việc bổ sung văn bảng thành tích của đơn vị trong việc xây dựng các Công trình trọng điểm quốc gia trong các năm qua, thì việc tham gia xây dựng công trình này còn là một trường học lớn để họ vươn tới những tầm cao mới, là điều kiện tốt để họ hòa nhập với thế giới khi Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế. Trong đó, đặc biệt là quá trình tiếp thu chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới, một trong những nhiệm vụ không kém phần quan trọng mà Chính phủ đã giao cho các đơn vị thi công phải thực hiện.  

* Hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn  

Đèo Hải Vân nằm trên quốc lộ 1A từ km 894 + 00 đến km 904 + 638, dài khoảng 20,45 km, đường dốc quanh co liên tục. Số đường cong có bán kính nhỏ lên đến 23 đoạn trên 1 km. Độ dốc dọc của toàn tuyến trung bình là 4,6%, trong đó có hơn 50% đường đèo có độ dốc hơn 7%. Đặc biệt có 04 đường cong con cần có bán kính từ 10 mét đến 17 mét với độ dốc dọc từ 10% đến 11% (cực kỳ nguy hiểm). Những lưu lượng xe qua lại rất nhiều, ước tính đến năm 2010, mỗi ngày có tới 14.000 xe quy đổi/ngày đêm và hàng nghìn xe máy qua lại. Phải đi qua đèo Hải Vân là nỗi kinh hoàng cho những người điều khiển phương tiện vận tải và hành khách, đặc biệt là những xe có tải trọng lớn. Ngoài việc tuổi thọ của xe giảm tiêu hao nhiên liệu nhiều là những thiệt hại không thể lường hết được do những vụ tai nạn giao thông do những vụ tai nạn giao thông hằng năm gây ra. Đã có những vụ tai nạn giao thông làm chết và bị thương hàng chục người. Đặc biệt là vào mùa mưa, việc sụt lở đất đá làm hư hỏng đường đã cắt đứt toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ Bắc - Nam nhiều ngây, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, kinh tế - xã hội của cả vùng, cũng như cả nước, như cơn bão số 2 năm 1999.  

Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân sẽ góp phần giải quyết triệt để các vấn đề trên, bảo đảm giao thông, tiết kiệm nhiên liệu tăng hiệu quả kinh tế của việc vận tải hàng hóa và hành khách. Chỉ riêng việc rút ngắn thời gian qua đèo so với khi sử dụng đường đèo cũ đã tiết kiệm thời gian chỉ bằng 1/10 so với trước đây. Đây là hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn. Trong đó, chỉ riêng việc giảm tiêu hao nhiên liệu của số xe qua hầm, theo tính toán trên là gần 1.000 tỷ đồng/năm, chưa kể những lợi ích do giảm được những thiệt hại về tai nạn giao thông và hiệu quả kinh tế do giảm thời gian đi qua đèo và các lợi ích xã hội khác. Đồng thời, do vị trí quan trọng của Hầm Hải Vân trong hệ thống giao thông đường bộ và cùng với đường Hồ Chí Minh, với hành lang kinh tế Đông Tây của các nước trong khu vực sẽ mở ra khả năng phát triển kinh tế trong vùng với nhiều tiềm năng to lớn   chưa được khai thác...

Danang.gov.vn - 06/11/2003

Đầu trang

 

  - 2005/HVTP Webmaster -