Dự án Hầm đường bộ Hải Vân

Trang chính| English | Sơ đồ | Sổ lưu niệm | Liên hệ

Sự kiện :: Các bài báo

Hầm đèo Hải Vân là môi trường làm việc nguy hiểm

(VietNamNet) - “Kết quả nghiên cứu cho thấy môi trường lao động trong hầm đèo Hải Vân bị ô nhiễm nặng nề, là nguy cơ cao gây nhiễm độc mạn tính. Nạn thiếu oxy kéo dài ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động, gây ngạt, các bệnh nghề nghiệp và tác hại nghề nghiệp!” – Đó là cảnh báo của Trung tâm Y tế lao động Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đưa ra hôm qua (21/8).

Cuộc hội thảo “Môi trường lao động và sức khoẻ công nhân thi công hầm, cầu đèo Hải Vân” do Hội Bảo vệ môi trường và Sở Y tế GTVT tổ chức tại TP. Đà Nẵng.

Những con số đáng báo động

Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân là đường hầm dài và lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, được áp dụng nhiều công nghệ mới tiên tiến trong quá trình thi công. Tuy nhiên môi trường lao động tại đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tác hại đến sức khoẻ người lao động. Do vậy, trong hai năm 2002 - 2003, Trung tâm Y tế lao động GTVT (Bộ GTVT) đã tiến hành giám sát các yếu tố độc hại ở công trình này. 

Các bác sĩ Nguyễn Đức Sơn, Phạm Hải Yến, Đào Thanh Bình cùng cộng sự ở Trung tâm Y tế lao động GTVT đã tiến hành 2 nội dung chính là kiểm định môi trường lao động và nghiên cứu mô hình bệnh tật của người tham gia thi công.

Trong tổng số 1823 mẫu đo đã có đến 1.066 mẫu không đạt tiêu chuẩn, tỉ lệ 58,5%; trong đó số lần vượt tiêu chuẩn từ 10-30 lần, chủ yếu do khoan đá, nổ mìn, xúc đá... Nồng độ oxy thấp dưới 20% chiếm trên 50% mẫu đo, tỉ lệ dioxyt silic 32-45%. Số mẫu không đạt tiêu chuẩn về độ rung là 89,3%, tiếng ồn 78%, nồng độ CO 70%, bụi 59%, vi khí hậu hơn 50%, độ rung 89,3%... Tỉ lệ bệnh tai mũi họng chiếm trên 40%, điếc nghề nghiệp cũng chiếm tỉ lệ cao hơn 16%. Chưa có trường hợp nào bị nhiễm độc cấp hay mạn tính. Vấn đề nhiễm độc TNT đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu. Bệnh bụi phổi silic cũng đang được tiếp tục nghiên cứu, tỉ lệ hiện mắc là 2,04%... 

Theo theo báo cáo của Trung tâm Y tế lao động GTVT qua 9 lần khảo sát, thì càng vào sâu trong hầm, các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, hơi khí độc (đặc biệt là CO và CO2) càng tăng; trong khi tốc độ lưu chuyển không khí, cường độ ánh sáng, nồng độ oxy giảm. Điều này phụ thuộc vào công suất của hệ thống thông gió. Các yếu tố như cường độ tiếng ồn, độ rung, nồng độ bụi cũng gia tăng khi vào sâu. Kết quả đo ở hầm chính, hầm phụ phía Bắc và phía Nam đều cho ra các chỉ số tương đương. Đáng lưu ý là ở hầm thông gió có nồng độ oxy giảm và hơi khí độc tăng do hệ thống thông gió hoạt động kém hiệu quả. 

Thực tế bệnh tật của người lao động tại công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân cũng cho thấy các bệnh răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu, mắt chiếm tỉ lệ cao. Tỉ lệ mắc bệnh điếc nghề nghiệp 16% ở công trình này là cao hơn so với công nhân đóng tàu thuỷ. 

Công nghệ mới chưa hẳn đã an toàn 

Tại công trình xây dựng hầm Hải Vân, các nhà thầu áp dụng nhiều công nghệ mới vào việc khoan hầm, đầu tư hệ thống thông gió... Qua các kết quả đánh giá của Trung tâm Y tế lao động GTVT, họ đã điều chỉnh công suất hệ thống thông gió để có hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên các bác sĩ Nguyễn Đức Sơn, Phạm Hải Yến và Đào Thanh Bình cho rằng: “Hiệu quả của hệ thống này chưa tốt vì môi trường còn bị ô nhiễm nặng!”.

Bác sĩ Phạm Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế lao động GTVT còn phân tích sâu về các yếu tố đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người lao động qua việc áp dụng công nghệ mới là khoan cọc nhồi tại công trình hầm đường bộ Hải Vân cũng như nhiều công trình khác ở VN. Theo đó, ưu điểm của khoan cọc nhồi là thi công dễ dàng, tự động hoá, tốc độ nhanh và chất lượng tốt hơn... Tuy nhiên ngay cả khi vận hành theo công nghệ này, công nhân vẫn bị nhiễm chất betonai (gồm chất vữa sét và các phụ gia CMC, CaCO3, NaCO3) gây da nhăn nheo. Việc hít thở trong quá trình trộn vữa sét có chứa betonai là chất phụ gia không đông có mùi khai nặng (dù mùi này đã khếch tán vào không khí sau khi nhồi bê tông) cũng gây ô nhiễm cho đường hô hấp của công nhân. Bên cạnh đó, các công nghệ mới khoan cọc nhồi và dầm bê tông đúc hẫng cũng có thể khiến người lao động mắc các bệnh điếc nghề nghiệp, bụi phổi silic, bệnh rung chuyển nghề nghiệp tần số cao do sử dụng các máy dầm bê tông, mài ba via, đánh rỉ sắt và bệnh rung chuyển tần số thấp (các bệnh cột sống) ở những người điều khiển xe thi công cơ giới... 

Trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu? 

Ông Nguyễn Ngọc Trân, Tổng giám đốc BQL Dự án 85, chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân cho hay: Sau khi có các cảnh báo của Trung tâm Y tế lao động GTVT về thực trạng trên, BQL Dự án 85 đã tiến hành nhiều giải pháp về kỹ thuật, phòng hộ lao động cá nhân và y tế để giảm thiểu tác hại của môi trường tới người lao động. Theo đó, BQL Dự án 85 đã chỉ đạo đơn vị Tư vấn tăng cường giám sát, nhắc nhở kết hợp với các biện pháp mạnh để nhà thầu lắp đặt hệ thống thông gió tại các múi thi công, công suất lắp đặt phải được Tư vấn chấp thuận và kiểm tra thường xuyên. Các nhà thầu cũng cố gắng cung cấp các dụng cụ phòng hộ để cải thiện điều kiện làm việc của công nhân trong môi trường độc hại. Đồng thời thiết lập hệ thống y tế khá đầy đủ với trạm y tế, y bác sĩ, xe cứu thương, các thiết bị, thuốc chữa bệnh thông thường để kịp thời phục vụ việc cấp cứu và trị bệnh...

Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Trân cũng thừa nhận: “Càng đào sâu vào hầm các chỉ tiêu cơ bản được quy định trong hồ sơ thầu hoặc tiêu chuẩn môi trường Nhà nước Việt Nam như hàm lượng CO2, độ ẩm, độ ô nhiễm không khí, nhiệt độ... nhìn chung chưa đạt yêu cầu. Hệ thống cấp thông gió của hai nhà thầu, nhất là ở gói thầu 1A (xây dựng phần hầm phía Bắc do liên danh nhà thầu Hazama và Cienco 6) thiếu công suất, dẫn đến hiện tượng công nhân bị ngất trong khi làm việc...

 

Vietnam Net - 22/08/2003

Đầu trang

 

  - 2005/HVTP Webmaster -